5+ cuốn sách hay về Hà Nội nên đọc

Hà Nội – vùng đất nghìn năm văn hiến – sẽ mãi trường tồn trong trái tim những người con Thủ đô dù có trải qua bao thập kỷ. Hà Nội thời hiện đại đã và đang thay đổi – đó là quy luật của tự nhiên – nhưng thành phố này vẫn ẩn chứa những nét đẹp truyền thống rất riêng. Việc bảo tồn những nét đẹp của Hà Nội phụ thuộc vào những người con của xứ Kinh Kỳ…

Cùng với mình khám phá Hà Nội dấu yêu qua những cuốn sách hay nhất về mảnh đất nghìn năm văn hiến này nhé!

#1. Hà Nội Băm Sáu Phố Phường (Thạch Lam)

Hà Nội 36 Phố Phường là 21 bài bút ký như lời giới thiệu về Hà Nội với những vẻ đẹp riêng có và nét đẹp văn hóa tâm hồn người Hà Nội. Truyện chủ yếu viết về những câu chuyện phố phường, dân sinh, những món ăn, ẩm thực Hà Nội xưa, đặc biệt là những thức quà đặc trưng mà chỉ riêng Hà Nội có. Cuốn sách chính là tác phẩm giúp bạn đọc hiểu Hà Nội hơn, hiểu thêm những nét đẹp lãng mạn, đầy thơ mộng của thủ đô yêu dấu. Dù bạn không phải là người Hà Nội nhưng khi đọc xong cuốn sách chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được bóng dáng và nét đẹp của một Hà Nội xưa.

“Những phố phường dù đã cũ nhưng không hề cũ. Với ngòi bút của Thạch Lam người đọc như được trở lại thời đã qua , cùng Thạch Lam chiêm nghiêm vẻ đẹp của 36 phố phường.”

“Bác Thạch Lam viết về những thức quà của Hà Nội bằng tình thương dung dị và con mắt của kẻ quan sát tinh tế, am hiểu nhất. Những thức quà hiện lên đẹp đẽ, chúng hiện rõ trong lòng mình lúc nào tựa không hay những mùi vị, thanh âm và cả con người trong đấy. Đọc rồi nhìn lại hơn sáu mươi năm sau, cái tinh tuý, lành mạnh trong thưởng thức ăn uống giờ đã khác rất nhiều. Nhớ thương lắm những cái trong veo ngày xưa giờ đã mất. Những dòng văn của bác như thị dân Hà thành đích thực, len lỏi vào nếp sống của người bán rồi đặc tả nó như thể thêu tranh bằng mắt, nhìn đến đâu hiện rõ đến đấy. Một người dành cho văn hoá ẩm thực Hà Nội tình yêu chân thành, giản dị và mong muốn giữ gìn chúng, nâng niu khẽ khàng, lưu truyền đời sau. Những áng văn không bao giờ cũ, để yên một ngày mong được đến và cảm nhận trọn vẹn những điều đẹp đẽ của Hà Nội. Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ” (Phương Nghi – Goodreads, 2/2018)

“Mình rất khoái văn phong của Thạch Lam, cảm tưởng lúc nào cũng tâm tình, nhẹ nhàng mà thổi vào đó bao nhiêu cái hay, cái sướng. Từ đoạn miêu tả cốm là thức dâng của những cánh đồng xanh bát ngát tới hình ảnh cô bán hàng nước ở chợ đêm và rất nhiều thứ nữa, Thạch Lam tâm tình như chính bản thân mình đi cùng tác giả ở vào những thời điểm đó cùng nhìn thấy, cùng cảm nhận rồi cùng hồi tưởng về một Hà Nội.” (Hung Nguyen Quang – Goodreads, 23/1/2019)

“Hà Nội băm sáu phố phường – một tập san về ẩm thực Hà thành ngập ngụa yêu thương. Đó là tình yêu và tình thương mà chàng trai trẻ Thạch Lam dạo ấy dành cho vùng đất kinh kỳ, tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng đầy ắp, đầy đến mức một kẻ ngáo ngơ như mình cũng cảm nhận được.

Những thức quà trong cuốn sách mỏng tang này vẫn thật hợp thời làm sao! Dù là một thế kỷ trước hay ngày nay, chút quà Hà Nội vẫn là điều gì đó đầy mong đợi và quý hóa lắm. Mình cho là vậy bởi vì chính mình cũng mê tít thứ gọi là “quà Hà Nội”.

Nhân đây mình cũng xin trích dẫn một đoạn mà Thạch Lam viết rất hay, hay đến mức mình chẳng biết dùng mỹ từ nào để biểu đạt trọn vẹn cái sự hay của nó.

“Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời.”

(Mình sẽ dừng lại vài giây để tưởng tượng được hít hà hương bông lúa non giữa đồng ruộng xanh mởn trước khi quay trở lại viết nốt dòng cuối.)

Tác giả làm vậy có quá đáng lắm không? Sao lại có thể hay thế này ?! Trong lúc mình hú hét và khen lấy khen để thì bạn người iu đã nhắc cho mình nhớ rằng đoạn này đã được học ở chương trình Ngữ Văn. (Ồ, bro thật biết cách làm người khác ngạc nhiên đấy.) Hồi ấy mình còn quá ngớ ngẩn để có thể cảm nhận được cái hay, cái thi vị của câu chữ. Tạ ơn trời đã cho mình đọc lại vào 12 năm sau, để mình được tận hưởng sự tinh túy này. Chỉ muốn hớp một ngụm thật tràn căng những gì tinh túy ấy.” (Vân – Goodreads, 7/2020)

>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.

18-Nguồn ảnh: Tiki

#2. Phố Phường Hà Nội Xưa (Hoàng Đạo Thúy)

Với Phố phường Hà Nội xưa, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã kể lại thật sâu sắc văn hóa phong tục của mảnh đất kinh thành. Ông coi đó là những vật liệu quý để rèn đúc con người ngày mai.

“Không hổ khi được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu Việt Nam, ông Hoàng Đạo Thúy đã đưa mình thăm quan và trải nghiệm một Hà Nội cũ nhưng đầy lạ lẫm, mới mẻ. Từ những Cửa Ô đến phố Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Dép, Hàng Nón đến cách ăn mặc thời trước và các phố Hàng Đào. Từ sông bến, phố phường đến ẩm thực và những người thợ… Ông đã kể lại một cách chi tiết trong tác phẩm này. Những biến động trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược đến những cái nhìn khác lạ về các danh nhân nổi tiếng Việt Nam như Lý Thường Kiệt, nhà thơ Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan… Văn hoá Hà Nội nghìn năm văn hiến hiện lên đầy chân thực dưới ngòi bút của ông.”

>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.

#3. Chuyện cũ Hà Nội (Tô Hoài)

Chuyện cũ Hà Nội là một tập ký sự lịch sử về Hà Nội đặc sắc của nhà văn Tô Hoài về bức tranh Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX gồm nhiều mảng màu sáng – tối. Qua đó, nhà văn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Hà Nội thời Pháp thuộc, khi cái mới và cái cũ giao thoa bằng kiến thức rất phong phú cùng góc nhìn tinh tế, chân thực, hóm hỉnh.

“Tô Hoài đã viết “Chuyện cũ Hà Nội” bằng cuộc đời ông. Một Hà Nội hiện ra đến say mê như chút men rượu nồng, và như ông đã nói đại ý rằng, hết cuộc đời cũng sẽ còn viết về một Hà Nội xưa thế thôi…”

“Trong hơn một trăm truyện ngắn về cuộc sống của người Hà Nội, Tô Hoài đã khắc hoạ sinh động và rõ nét sự thay đổi của Hà Nội theo suốt cuộc đời ông. Từng mục truyện vừa gần gũi, vừa phảng phất nếp sống xưa khiến “Chuyện cũ Hà Nội” trở thành một tư liệu đáng quý về Hà Nội cận đại và chuyển mình trong thế kỷ XX.” (Van Nguyen – Goodreads, 2018)

“Qua giọng kể đầy hóm hỉnh của nhà văn Tô Hoài, Hà Nội những năm thế kỉ trước hiện lên đầy sống động. Đáng lẽ ra, câu chuyện này, cốt truyện này, có thể khiến người khác rơi nước mắt. Nhưng không, Tô Hoài đã giúp người đọc nhìn được một khía cạnh tích cực, đáng yêu khác của Hà Nội, tập trung xoay quanh cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, những mối quan hệ, những mối lo, sự hối hả, hay cả những thú vui thường ngày. Hà Nội trong tuyển tập này hiện lên một cách rất Hà Nội – một Hà Nội vô cùng truyền thống. Nếu ai thích lối viết của Tô Hoài, hẳn sẽ rất thích cuốn sách này.” (Tracy Ngo – Goodreads, 2018)

“6 năm từ ngày mua cuốn sách, nhiều lần bỏ cuộc giữa chừng. Ấy vậy mà lần này có điều gì nán giữ lại mãi với trang sách. Say sưa trong giọng kể dung dị tỉ mỉ của Tô Hoài, lạc mình trong phố xá đường làng của Hà Nội và vùng ven đô xưa cũ. Có lẽ đi xa Hà Nội một thời gian nhất định, tình yêu dành cho quê hương trong ta đổi thay, sang một miền sâu cảm xúc khác, để ta có thể cảm thụ được những gì khi thơ trẻ ta đâu có hiểu tới.
Ông Tô Hoài ngoài quyển sách quốc dân Dế mèn phiêu lưu ký, là một cây viết người yêu sẽ yêu, người bỏ sẽ bỏ. Đặc biệt “chuyện cũ Hà Nội” gom góp những mẩu hồi ức, tự sự, nhật kí, tuỳ bút, thì văn phong “phóng khoáng” bay ra cả ngoài lề sách. Đương chuyện này tự dưng nhảy sang chuyện nọ. Đương hồi ức này kéo về miền ký ức khác. Chấm phẩy theo phong cách nếu nói theo ông Pautopxki là “chỉ cần chấm phẩy lại toàn bộ thì sẽ là một tuyệt tác”, lắm khi câu chỉ có chủ ngữ, hoặc vị ngữ, hoặc thích hiểu thế nào thì hiểu. Nhưng một khi đã quen rồi, và đặc biệt với người đọc nào chẳng nhu cầu gì một câu chuyện cụ thể, lan man lại hay. Như ta dạo mình vô định trong những cảnh sắc và cảnh đời của đô thành cũ. Có những chuyện đã cũ cũ lắm rồi, trước cả đời ông bà ta, lịch sử mấp mé ở cái ngưỡng thật thế mà xa xôi hư ảo, đủ gần để liên hệ liên tưởng, đủ xa để kỳ thú như truyện liêu trai.
Hà Nội thay đổi đến chân răng kẽ tóc sau đô thị hoá. Con phố ấy, góc đường mình biết ấy nào ngờ gần trăm năm trước có một vóc dáng khác hẳn. Điều còn sót lại tới nay để mà thấy được thì ít, mai một và mất đi là phần nhiều. Có điều, có lẽ điều không thay đổi duy nhất của Hà Nội từ xưa tới nay, đó là mảnh đất ô hợp này luôn đồng thời nên thơ và bẩn thỉu, sang trọng và lam lũ, tất bật ầm ì không bao giờ ngừng nghỉ.” (Ha Thu – Goodreads, 2/2018)

>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.

19-Nguồn ảnh: Fahasa

#4. Hà Nội Chuyện Xưa Phố Cũ (Tạ Thu Phong)

Hà Nội đã bước vào mùa thu và cũng là mùa đẹp nhất trong năm. Chẳng riêng gì người Hà Nội, bất kỳ ai khi đặt chân tới thủ đô trong mùa thu này cũng đều yêu thích và đều có cho riêng mình những câu chuyện. Hà Nội – Mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến đầy ắp di sản văn hóa, đầy ắp những câu chuyện luôn có một sức thu hút mãnh liệt đối với những người yêu và say mê tìm hiểu về Hà Nội.

Đâu cứ phải là người được sinh ra trên mảnh đất Hà Nội mới biết yêu, mới biết trân trọng những giá trị ngàn năm văn hiến của mảnh đất này. Cuốn sách Hà Nội chuyện xưa phố cũ là tình cảm của một người như thế, một người không sinh ra trên đất Hà Nội nhưng đã sống và dành cho mảnh đất này một tình yêu sâu đậm, tha thiết. Tác giả đã bền bỉ và cẩn trọng thu thập những thông tin của Hà Nội qua các thời kỳ, phân tích, sắp xếp và viết lại. Những vỉa tầng văn hóa dày đặc của mảnh đất nghìn năm đã lần lượt được phát lộ dưới ngòi bút của tác giả. Những nếp nghĩ, cách làm, phong tục thay đổi từ phong kiến sang thuộc địa và cả sau hòa bình đã vô tình tạo thành một bức tranh sinh động Hà Nội chuyện xưa phố cũ tỉ mỉ về một nơi chốn đầy ắp di sản văn hóa.

Tập hợp những bài viết ngắn nhưng đã được tìm hiểu chỉn chu, sâu sắc đã hình thành nên cuốn sách Hà Nội chuyện xưa phố cũ. Chuyện xưa, phố cũ được kể bằng những con người mới, những người luôn một lòng hướng về Hà Nội. Nó khiến cho chính những người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này một lần nữa thêm hiểu và yêu quý Hà Nội.

>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.

#5. Đi xuyên Hà Nội (Nguyễn Ngọc Tiến)

Cuốn sách Đi xuyên Hà Nội là sự cố gắng nhìn vào bản chất của đô thị ở khía cạnh khoa học nhân văn gần gũi, có sự khảo cứu sâu rộng các nguồn tư liệu, nên độ hấp dẫn nằm ở chính sự sống động ấy. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại.

“Một Hà Nội thu nhỏ, một Hà Nội xưa, một câu chuyện cũ đến say mê lòng người. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại.”

“Sắp xa Hà Nội rồi người ta mới nhớ, mới thương, mới thèm.

Cuốn sách viết về Hà Nội với những thông tin cung cấp khác nhiều cuốn sách mình từng đọc về HN, bao gồm cả những fact hay ho của Hà Nội: những câu ca dao cổ, đồng văn của người Tràng An, những bài học lược sử về người HN từ ngày xa xưa cho đến tận bây giờ, từ bãi Phúc Xá Nam cho tới Bãi bồi dưới Long Biên trong suốt cuộc hành trình. Một Hà Nội thật khác với người Kinh Bắc như mình.

Khác với “Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương” trong Đi Ngang Hà Nội, bác Nguyễn Ngọc Tiến vẫn vẽ ra một Hà Nội thân khác, thân thương mà kỳ bí…” (Trang Ha Nguyen – Goodreads, 2017)

“Nhiều thông tin lý thú kết hợp lối kể dí dỏm, chân thật và đôi chỗ ngụ ý sâu cay tạo nên một tác phẩm gối đầu giường cho những ai muốn hiểu thêm về Hà Nội từ lời ăn tiếng nói đến lịch sử của chốn đô thành. Đáng có trên giá sách!” (Nguyễn Minh – Goodreads, 3/2020)

“Thú vị như khi rảnh rỗi hứng chí lên ngồi hàng trà đá bờ Hồ, nghe bà bán nước và các chú xe ôm hay mấy ông văn nghệ sĩ phố cổ buôn chuyện vô thưởng vô phạt về từng ngóc ngách và con người Hà Nội.” (Nguyen Mai Chi – Goodreads. 2019)

>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.

20-Nguồn ảnh: Sachhay.vn

Kim Huế