Mỗi tác phẩm văn học khắc họa hình tượng người lính trong chiến tranh thành công là một tượng đài tưởng niệm, ghi danh sự hy sinh dâng hiến bất tử của họ. Cũng là những bài ca mang khát vọng hòa bình, hòa hợp, hạnh phúc của nhân dân. Trong mỗi trang viết thấm nhuần tính nhân văn, vừa là truyền thống của dân tộc vừa là những giá trị phổ quát, nền tảng của nhân loại.
#1. Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)
Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng.
Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người. Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.
“Một cuốn sách rất hay và có ý nghĩa dành cho các độc giả trẻ, những nỗi đau đớn của người lính được tái hiện trong chuyện vô cùng chân thật, khiến cho người đọc xót thương cho cuộc đời những anh lính khi tham gia chiến tranh, và thấy thương cảm cho các anh khi hòa bình đã lập lại mà các anh vẫn đau nỗi đau thời chiến.” (Nga – Goodeads, 2020)
“Cuốn sách được tạo dựng thông qua những mẩu viết đan cài giữa thực tại và hồi ức của Kiên, một người lính may mắn sống sót qua cuộc chiến tranh vệ quốc, hay nội chiến hai mươi năm của dân tộc Việt Nam. Trong khi tất cả những người đồng đội của anh đều đã ngã xuống, đôi khi để anh được sống, chỉ mình anh bước qua khỏi cuộc chiến tranh ấy với sự cô đơn và hoài nhớ kỳ cùng về những ngày tháng bom đạn và mối tình với một người con gái, người bạn thân từ thuở bé, người hàng xóm sát vách – Phương.” (Huynh – Goodreads, 31/5/2017)
“Thế hệ mình sinh ra khi chiến tranh đã lặng tiếng, chỉ còn biết về chiến tranh qua những đoạn phim màu đen trắng chiếu trong những ngày kỷ niệm và những Việt Bắc, những Tnú học trong sách giáo khoa. Thế nên, với mình, chiến tranh là thứ gì xa lạ lắm, khổ đau và hi sinh nhưng nhiều hơn hết vẫn là oai hùng và kiên gan, là tình yêu nước dùng máu nhuộm đỏ màu cờ. Chiến tranh vì thế buồn nhưng vẫn đẹp một cách kỳ lạ.
Nhưng đọc xong cuốn sách này, cái cảm giác ấy bay biến gần như hoàn toàn. Chẳng có gì là gọi là đẹp, chẳng có gì gọi là dũng cảm hay tình yêu nước vượt lên trên khát vọng sống cả. Một thế hệ bị cơn sóng chiến tranh ập đến và cuốn đi. Trong số hàng vạn người đó, mấy phần là muốn ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc, mấy phần là bị ép buộc phải bỏ lại quê nhà mà phải chết đi đầy đau đớn, nằm lại nơi rừng thiêng nước độc xa lạ. Kể cả với những người sống sót, như Kiên, như Phương, cái bóng ma của chiến tranh vĩnh viễn ám lấy cuộc đời họ, họ trở thành những thứ gì đó nửa người nửa ma, một chân đã bước vào mảnh đất hòa bình mà tâm tưởng vẫn bám víu lấy quá khứ chiến tranh loạn lạc. Mình không hình dung được tầm cỡ nỗi đau mà chiến tranh để lại cho đến khi đọc cuốn sách này. Tác giả dùng chữ Nỗi buồn để đặt tên vẫn còn nhẹ nhàng lắm. Chiến tranh hoàn toàn không có chút gì đẹp đẽ, như truyền hình và những tác phẩn văn chương ngợi ca vẫn vẽ nên.” (Huyen Pham – Goodreads, 13/7/2019)
>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.
#2. Đất rừng Phương Nam (Đoàn Giỏi)
Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…
“Có rất nhiều điều để nói về cuốn sách này nhưng mình nghĩ không nên dài dòng và cũng vì không giỏi review nên mình chỉ nói ngắn gọn rằng: “Đây là một tác phẩm hay về con người cũng như thiên nhiên miền Nam, Việt Nam qua lời kể của An (mình rất thích giọng kể này). Là một lựa chọn tuyệt vời sau khi ta đã đọc quá nhiều tác phẩm nước ngoài và muốn tìm thứ gì đó thân thuộc và gần gũi” (Duyên Đô – Goodreads, 16/6/2017)
“Đất rừng phương Nam được kể dưới góc nhìn của An – một cậu bé không may lạc mất gia đình giữa cảnh loạn lạc của chiến tranh.
Theo chân An, ta được chứng kiến cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ trong những tháng ngày khó quên đó, cùng với cảnh thiên nhiên kì vĩ hoang sơ của một vùng rừng nguyên sinh còn ẩn chứa nhiều điều kì bí.
Tiếc là, mình lại không thích cuốn sách này như mình đã kì vọng. Có lẽ vì trong cùng đề tài chiến tranh thiếu nhi đã có những cuốn hay hơn hẳn như Tuổi Thơ Dữ Dội hay Quân Khu Nam Đồng. Còn về mô tả cảnh thiên nhiên cũng hơi ngắn ngủi và không được ấn tượng như mình hằng mong.
Mình đã có cơ hội được đi qua các tỉnh miền tây – bến tre, cần thơ, châu đốc an giang, được lướt thuyền giữa những cánh rừng tràm cổ thụ, vẻ đẹp ấy thật khó có bút nào tả xiết, và cần nhiều tác phẩm viết về vùng đất này hơn nữa.” (Lan lan – Goodreads, 2018)
“Đang lướt tiktok thì vô tình thấy clip về một đoạn giặc cướp lúa dân trong phim ” Đất Rừng Phương Nam ” làm bản thân nhớ về một bộ phim yêu thích ở tuổi thơ nên quyển đọc thử sách
Sách thì hơi khác phim một chút nhưng vẫn xoay quanh việc chạy giặc của dân khi chủ chương “vườn trong nhà trống ” được thực hiện
Chạy giặc nhưng vẫn phải mưu sinh với những công việc sông nước của con người Nam Bộ bình dị , chất phác nhưng vẫn tồn tại những người bán mình cho giặc để diệt đồng bào ta.” (Duy Võ – Goodreads, 12/2/2019)
>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa
#3. Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán)
“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm truyện dài bảy phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh bốn nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen,… và một loạt các nhân vật khác như: Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát.
Cuốn truyện có hệ thống nhân vật khá giống “Những ngày khói lửa” và một vài truyện ngắn khác, khiến người đọc cảm giác là có nhiều tác phẩm khác nhau trong thời kỳ này cùng viết về một nhóm nhân vật có thật.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó và đã được dựng thành phim.
>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa
#4. Biệt Động Sài Gòn (Mã Thiện Đồng)
Với lòng yêu nước, giác ngộ và tin tưởng vào cách mạng, với lòng căm thù giặc, các chiến sĩ Biệt động đã mưu trí, dũng cảm đánh địch ngay tại sào huyệt của chúng, giòn giã liên tục khiến cho Mỹ ngụy phải đau đầu, điên đảo trước những tổn thất lớn lao. Biệt động Sài Gòn chuyện bây giờ mới kể viết về người thật việc thật, của những nhân chứng lịch sử. Bằng những câu chuyện chiến đấu dũng cảm, đầy kịch tính của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa là bài học quý giá cho các bạn thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong thời bình, họ cần phải biết có những con người đã sống và làm nên những kỳ tích như thế nào, ngay tại Sài Gòn – TP.HCM lịch sử này, trong những năm chống Mỹ xâm lược của dân tộc ta.
“Sách có những câu chuyện rất hay và cảm động về biệt động sài gòn những năm 1964 – 1968. Khi đọc những câu chuyện này bản thân tôi như được sống lại thời kỳ đó, rất xúc động và tự hào. Cảm ơn những người lính biệt động Sài Gòn đã dũng cảm quên mình vì công cuộc giải phóng Tổ quốc thân yêu!” (Thanh Thanh – Tiki, 2020)
“Qua cách mà đảng ứng phó với corona, bảo vệ người dân Việt Nam, mình ngày một thêm yêu đất nước, muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử nước nhà. Tình cờ mình tìm được cuốn sách này trên internet và ngấu nghiến đọc trong 2 ngày. Thật sự đây là một cuốn sách rất hay, giọng văn hùng hồn, từ ngữ gần gũi và đặt biệt làm nổi bật được cách chiến công biệt động của cách chiến sĩ mặt trận miền nam..” (Phạm Anh Tuấn – Goodreads, 20/2/2021)
“Từ đầu đến cuối đọc trang nào cũng thích cũng phục, chỉ có mấy trận về sau (Mậu Thân 1968) hơi bực mình xíu vì nhiều anh hùng chết oan quá, đọc cứ có cảm tưởng như họ bị chính lãnh đạo lừa vậy. Toàn chết kiểu: anh em có vài người được chỉ định đánh cái chỗ có cả trăm cả ngàn lính địch và được hứa là trong 15 phút sẽ có đại quân tiếp viện. Thế mà bắn đến viên đạn cuối cùng, cầm cự cả ngày vẫn ko thấy tiếp viện đâu. Đọc thấy khá là bức xúc cho cái chết oan uổng của những chiến sĩ anh hùng ấy.” (Luna – Goodreads, 6/12/2019)
>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa.
#5. Chân Trần Chí Thép (James G. Zumwalt)
Từ những cuộc gặp gỡ với người dân cũng như các quân nhân Việt Nam sau chiến tranh, cựu trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt viết cuốn ‘Bare Feet, Iron Will’. Ngày 21/4, ông đến Việt Nam ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm này.
Cuốn sách Bare Feet, Iron Will do NXB Fortis ấn hành tại Mỹ tháng 4/2010. Cuốn sách ngay lập tức được nhiều bạn đọc Mỹ đón nhận. Trên mạng bán sách trực tuyến Amazon, có độc giả để lại nhận xét về cuốn sách như sau: “Các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thẩm quyền phát động chiến tranh, cần đọc cuốn sách của Zumwalt. Thông điệp ở đây là, chính quyết tâm của nhân dân và “quy mô” trái tim của họ, chứ không phải sức mạnh quân đội và quy mô của kho vũ khí, quyết định chiến thắng”.
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm này có tên Chân trần, chí thép do First News và NXB Tổng hợp TP HCM vừa xuất bản. Cuốn sách dày gần 400 trang, tập hợp thông tin từ gần 200 cuộc phỏng vấn do James G. Zumwalt thực hiện với các “cựu chiến binh Bắc Việt và Việt Cộng cũng như dân thường Việt Nam”, theo cách nói của ông. Đan xen giữa những câu chuyện kể là các đánh giá, nhận xét táo bạo của tác giả, một người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
>> Xem thêm thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa
Kim Huế